Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng – Ladophar

Tin tức sự kiện

ĐHĐCĐ LADOPHAR: MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG DOANH THU 271% NĂM 2022

ĐHĐCĐ LADOPHAR: MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG DOANH THU 271% NĂM 2022

ĐHĐCĐ LADOPHAR: MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG DOANH THU 271% NĂM 2022 Tháng Năm 10, 2022 9:07 sáng Sáng nay (6/5/2022), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar; mã chứng khoán: LDP) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022. Tại ĐHĐCĐ sáng nay, cổ đông Ladophar thông qua các tờ trình liên quan đến báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021; Kết quả kinh doanh năm 2021; Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; Thù lao HĐQT, BKS năm 2021 và dự kiến 2022; Thông qua tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022; Tờ trình danh sách ứng viên HĐQT/BKS; Tờ trình về việc thông qua việc góp vốn vào Công ty TNHH MTV Nước giải khát thảo dược Ladophar; Tờ trình về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh. Kết quả kinh doanh năm 2021: Chấm dứt chuỗi thua lỗ liên tiếp trước đó Năm 2021 là một năm đầy khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất bởi tác động của đại dịch Covid-19 và Ladophar cũng không phải là ngoại lệ. Kết quả năm 2021 doanh thu đạt 161,9 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước, tương ứng mức giảm 90,9 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng thương mại giảm 49%, tương đương mức giảm 84,5 tỷ đồng; doanh thu hàng sản xuất giảm 8%, tương ứng mức giảm 6 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2021: doanh thu đạt 55%; hàng sản xuất đạt 57%, tương ứng mức đạt 72,6 tỷ đồng; Hàng thương mại chưa đạt như kỳ vọng, doanh số hàng thương mại đạt 53%, tương ứng mức đạt 87,4 tỷ đồng. Mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch năm 2021, song quý IV/2021 lại là quý có kết quả kinh doanh ấn tượng của Ladophar, với lãi ròng cao kỷ lục hơn 55 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 6 quý liên tiếp thua lỗ trước đó. Với kết quả lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Ladophar tại ngày 31/12/2021 là số dương, nên Ladophar chính thức được Sở Giao dịch ChứnHNX) đưa ra khỏi diện bị cảnh báo kể từ từ ngày 22/3/2022.  Mục tiêu 2022: Tăng trưởng doanh thu 271% Năm 2022, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng trong khi nhu cầu tiêu dùng không ổn định. Đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp do sự xuất hiện khó lường của các biến thể mới nên các ngành kinh tế chưa thể khôi phục hoàn toàn. Song, với tâm thế đón nhận thách thức và sẵn sàng vượt qua để tiến tới thành công, Ladophar đã thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 đầy tích cực. Về doanh thu thuần, Ladophar đặt mục tiêu doanh thu 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 21,2 tỷ đồng. Trong đó doanh thu thương mại là 316 tỷ đồng, doanh thu hàng sản xuất là 284 tỷ đồng. So với năm 2021, doanh thu tăng 271%, tương ứng mức tăng 438,1 tỷ đồng, trong đó hàng sản xuất tăng mạnh 281%, tương ứng mức tăng 209,5 tỷ đồng, hàng thương mại tăng 262%, tương ứng mức tăng 228,6 tỷ đồng.  Đa dạng sản phẩm trên cơ sở bảo tồn nguồn gen quý và đầu tư công nghệ phù hợp Với mục tiêu “dựng lại tượng đài ngành dược”, Ladophar lên kế hoạch phát triển thương hiệu tại thị trường Việt Nam và từng bước mở rộng, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường quốc tế. Trong năm 2022, Ladophar giới thiệu các dòng sản phẩm hướng tới phân khúc khách hàng là trẻ em, người làm việc có cường độ cao và người lớn tuổi với nước uống thảo dược bổ sung vitamin, nước detox thanh lọc cơ thể, sâm tăng cường sinh lực… Các sản phẩm y tế, mỹ phẩm từ dược liệu: nước súc miệng thảo mộc, khẩu trang thảo dược, gel rửa tay, kem chống nắng thảo dược, mỹ phẩm từ actiso… cũng được phát triển theo tiêu chí xanh, chất lượng và bền vững. Bên cạnh các sản phẩm dược liệu chất lượng cao đã được công nhận, công ty sẽ phát triển các dòng sản phẩm mới gần gũi, tiện dụng hơn, thích hợp cho việc bồi bổ sức khoẻ hàng ngày như nước đóng lon, kẹo, thạch… Tập trung phát triển mạnh thương hiệu Ladophar Care và dòng sản phẩm nước giải khát tiến tới cung cấp ra thị trường sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược mang tính đột phá và cạnh tranh cao. Nhằm cụ thể hóa chiến lược đa dạng danh mục sản phẩm, Ladopar sẽ ra mắt trung tâm bảo tồn dược liệu và nghiên cứu trồng các dược liệu sạch, đáp ứng mọi tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế. Đặc biệt, Trung tâm bảo tồn Cankina tại Xuân Thọ với vai trò lưu trữ nguồn gen quý sẽ được triển khai xây dựng. Để đáp ứng việc tăng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, Ladophar sẽ di dời nhà máy sản xuất Ngô Quyền về khu công nghiệp Phú Hội để thuận tiện cho việc tập trung sản xuất theo dây chuyền. Công ty tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, đồng thời xây dựng thêm một trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm Ladophar tại TP. Hồ Chí Minh để nhân rộng sản phẩm có chất lượng trên toàn quốc. Đồng thười, Ladophar sẽ xúc tiến xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn Japan – GMP nhằm sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, mở rộng cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia, thị trường khó tính khác. Bên cạnh thị trường đã khai thác tại Hàn Quốc, Ladophar sẽ tiếp cận các thị trường mới tại châu Âu và châu Mỹ. Các hoạt động marketing, truyền thông nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu, sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; bán hàng tại các gian hàng trực tuyến, website thương mại điện tử,.. sẽ được tích cực thực hiện. Ngoài ra, nhận thức rõ quá trình phát triển của Ladophar cần gắn liền với nền tảng vững chắc từ vùng nguyên liệu tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, công ty đã có rất nhiều chương trình đồng hành cùng địa phương. Các hoạt động thiện nguyện như: trồng cây gây rừng, gây quỹ ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, thăm và phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương,… đã và đang được triển khai thường xuyên. Với sứ mệnh mang lại những sản phẩm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân Việt Nam, Ladophar khẳng định sẽ tích cự ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới nhằm bảo vệ nguồn gen quý và khai thác kinh tế hiệu quả từ cây Actiso. Nguồn: Báo đầu tư  

Định hướng phát triển cây dược liệu

Định hướng phát triển cây dược liệu

  Định hướng phát triển cây dược liệu Tháng Một 27, 2022 2:09 chiều Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc nam Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt so với cả nước. Địa hình, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đa dạng, nên nguồn tài nguyên về hệ thực vật, động vật, khoáng vật phong phú, trong đó có nhiều loại làm thuốc. Thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến công tác nghiên cứu dược liệu và đạt một số kết quả khả quan. Thời gian tới, Lâm Đồng xác định phát triển cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao… Theo Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng (năm 2012), thực vật làm thuốc có 1.664 loài, thuộc 237 họ thực vật; động vật làm thuốc có 165 loài, thuộc 101 họ động vật; khoáng vật làm thuốc có 21 loại. Tuy vậy, thực vật làm thuốc của Lâm Đồng số lượng thì nhiều nhưng trữ lượng không lớn, giá trị kinh tế không cao, ít cây thuốc có giá trị đặc biệt. Các cây thuốc được di thực trồng tại Lâm Đồng phát triển tốt, nhưng hiện nay nhân dân không trồng, vì sản xuất các loại rau, hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các động vật làm thuốc đa số sống tự nhiên trong rừng núi và có tên trong Sách đỏ Việt Nam, nên việc sử dụng động vật làm thuốc hạn chế. Từ năm 1976 đến nay, những cây thuốc di thực từ các nước đã được nghiên cứu trồng tại Đà Lạt như: actisô, bạc hà, ba gạc Ấn Độ, bạch chỉ, bạch truật, cỏ ngọt, dương cam cúc, dương địa hoàng, đỗ trọng, đương quy, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, huyền sâm, húp lông, hồng hoa, hoài ngưu tất, hoài sơn, lão quan thảo, phúc bồn tử, sâm ngọc linh, sinh địa, tam thất, xuyên khung, vân mộc hương. Một số cây thuốc trong nước được trồng tại Lâm Đồng như: Bồ công anh, canh ki na, chè dây, diệp hạ châu, đinh lăng, đảng sâm, hồi, quế, sa nhân, sả hương chanh, trầm hương, thông đỏ. Một số cây có tác dụng bồi dưỡng dùng làm thực phẩm, hoặc để sản xuất thực phẩm chức năng được trồng lớn như ca cao, điều, mắc ca, sa chi, dưa lưới, nấm ăn và nấm làm thuốc… Các động vật làm thuốc cũng được nuôi tại một số huyện, thành phố thuộc Lâm Đồng, như: Đông trùng hạ thảo, hươu, tắc kè, kỳ đà, ong, nhím… Năm 2016, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, những cây thuốc đã trồng tại Lâm Đồng như: actisô khoảng 80 ha, chủ yếu trồng tại TP Đà Lạt (70 ha) và huyện Đơn Dương (10 ha). Cây diệp hạ châu trồng ở Cát Tiên, với diện tích khoảng 40 ha; cây đảng sâm khoảng 10 ha, do Công ty TNHH Cao Lâm trồng ở huyện Lạc Dương; cây phúc bồn tử trồng ở huyện Đức Trọng, Lạc Dương hơn 4 ha; cây dó bầu khoảng 90 ha, do Công ty CP Dó bầu hương Quảng Nam trồng ở huyện Đam Rông đã sang năm thứ bảy (để gây trầm hương); riêng cây chè dây trồng dưới tán rừng; cây sâm ngọc linh do Công ty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang tại Đà Lạt sản xuất cây giống cấy mô, đã cung cấp giống cho một số nơi và đang chăm sóc những cây đã trồng trong mấy năm nay. Các cây đương quy, đinh lăng, sa nhân trồng tại TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà và Đức Trọng; linh chi và các loại nấm dược liệu khác, được gây trồng ở Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương; một số cây có tác dụng bồi dưỡng dùng làm thực phẩm, hoặc để sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng được trồng tại Lâm Đồng như: Ca cao, điều, mắc ca, sa chi, dưa lưới, dây hương, phật thủ, chè tiên… Đồng thời, một số động vật làm thuốc cũng được nhân dân nuôi như: Đông trùng hạ thảo ở Bảo Lộc, Đà Lạt; hươu ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông; kỳ đà, ong ở Bảo Lộc; tắc kè ở Bảo Lâm; nhím ở Đạ Huoai và dế ở huyện Lâm Hà… Tuy vậy, công tác nuôi trồng dược liệu tại Lâm Đồng còn yếu. Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg, ngày 30-10-2013, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và Quyết định 179/QĐ-BYT, ngày 20-1-2015 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, việc bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên quy hoạch tám vùng dược liệu trọng điểm, để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài, đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu mỗi năm; phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của tám vùng sinh thái, gồm 36 loài dược liệu bản địa, 18 loài dược liệu nhập nội trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, theo Quyết định 206/QĐ-BYT, ngày 22-1-2015, Bộ Y tế ban hành danh mục 54 cây dược liệu ưu tiên phát triển, giai đoạn 2015 – 2020. Liên quan đến tỉnh Lâm Đồng, quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Đà Lạt thuộc vùng trung bình có khí hậu á nhiệt đới, cùng với Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), quy hoạch trồng 12 loài dược liệu, bao gồm năm loài bản địa: bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn, ý dĩ và bảy loài nhập nội: actisô, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, đỗ trọng, đương quy, huyền sâm, với diện tích 3.150 ha, ưu tiên phát triển các loài bạch truật, đỗ trọng, actisô. Đồng thời, Lâm Đồng là tỉnh nằm trong vùng Tây Nguyên cùng với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đắc Nông quy hoạch phát triển trồng 10 loài dược liệu, bao gồm các loài bản địa: Gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ, với diện tích khoảng 2.000 ha, ưu tiên trồng các loài: Đảng sâm, sâm ngọc linh. Căn cứ những quyết định trên và theo Thông báo số 793/TB-BYT, ngày 8-8-2016 của Bộ trưởng Y tế, tại buổi Tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững”, văn bản số 4960/UBND-VX3, ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng “Về việc tăng cường phát triển dược liệu bền vững”, đồng thời qua tình hình thực tế tại địa phương, chúng tôi xin đề xuất việc phát triển trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm tiếp theo như sau: Về quan điểm: Xu thế hiện nay trên thế giới, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi rất phong phú và đa dạng các loài cây dược liệu, người ta sử dụng nhiều các loại thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thảo dược, vì nó thực sự có hiệu quả trong điều trị bệnh và ít tác dụng phụ. Người dân Lâm Đồng cũng đã quen dùng thuốc y học cổ truyền từ lâu đời và nhiều nơi, nhiều gia đình đã có kinh nghiệm trồng dược liệu, nhưng cần tăng cường tuyên truyền thêm trong việc cần thiết phải phát triển trồng cây dược liệu trong tình hình hiện nay. Nhất là tỉnh Lâm Đồng lại có lợi thế nhiều loài cây thích nghi với điều kiện khí hậu, độ cao từng vùng, cây ưa ẩm, cây chịu hạn, cây sống ở đồi núi, cây ở vùng đầm lầy, sông suối. Đặc biệt, vùng từ 1.800m trở lên vành đai ôn đới, nhiệt độ trung bình từ 10 đến 150C (ít khi lạnh dưới -40C), nên nhiều loài cây ôn đới xuất hiện, trong đó có nhiều loài làm thuốc. Các loại đất tại Lâm Đồng phần lớn có độ dày canh tác, độ phì nhiêu cao; mặt khác khí hậu, địa hình, độ cao thuận lợi cho việc thuần hóa một số cây mọc hoang dại hoặc các cây di thực. Cần ưu tiên phát triển nguồn dược liệu trong nước, để sản xuất thuốc gắn với nhu cầu của thị trường là hướng quan trọng, giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, nhất là tỉnh Lâm Đồng có đặc thù riêng về công tác phát triển dược liệu. Cần khuyến khích các thành phần kinh tế trong tỉnh tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến dược liệu để có sản phẩm từ dược liệu cung cấp trong nước và để xuất khẩu. Về mục tiêu: Phải phát triển trồng cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa song song với rau, hoa, trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, nhất là những dược liệu lâu nay phải nhập khẩu từ các nước mà tỉnh Lâm Đồng có thể trồng được. Đồng thời, phải quản lý khai thác, bảo tồn và giữ gìn những nguồn gen dược liệu quý có giá trị tại địa phương; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh. Về quy hoạch trồng các cây dược liệu: Tùy theo địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng các vùng trong tỉnh Lâm Đồng nên chọn: Tại TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, nơi những vùng có khí hậu mát mẻ, độ cao từ 1.000m trở lên, nên trồng những cây di thực, hiện đang có nhu cầu trên thị trường và có giá trị kinh tế cao, không những trồng để lấy sản phẩm mà còn sản xuất giống như: actisô, bạch chỉ, bạc hà, bạch truật, bảy lá một hoa, cỏ ngọt, dương cam cúc, đảng sâm, đương quy, hà thủ ô đỏ, huyền sâm, ngưu tất, hoài sơn, lan gấm, sâm ngọc linh, sinh địa, tam thất, thông đỏ, xuyên khung, vân mộc hương. Tại các huyện và TP Bảo Lộc trở lên phía Đà Lạt, trồng: Đinh lăng, đương quy, bạch chỉ, huyền sâm, sinh địa, chè dây, sa nhân tím, sả hương chanh, hương nhu trắng, diệp hạ châu, ý dĩ. Tại ba huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên trồng các cây bạc hà, diệp hạ châu, sả… Nói chung, tại các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng đều có thể trồng tất cả các cây thuốc thông thường để chuyển giao cho các bệnh viện, phòng chẩn trị y học cổ truyền, các trạm y tế xã dùng để điều trị bệnh và cho các công ty để sản xuất thuốc. Những cây thuốc thông thường lâu nay vẫn khan hiếm, khi dùng đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các tỉnh khác mà chất lượng không tốt bằng trồng tại Lâm Đồng. Một số đề nghị và giải pháp: TP Đà Lạt và các huyện cần nghiên cứu xây dựng các dự án quy hoạch trồng một số cây dược liệu và giải quyết một số khó khăn cho nông dân, hướng dẫn tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng dược liệu nhằm bao tiêu sản phẩm; cần phát triển trồng cây dược liệu theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp; tăng cường mối liên kết hợp tác “bốn nhà” (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông), và trước tiên phải liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông; cần nghiên cứu đề ra một số chính sách ưu đãi đối với việc trồng dược liệu, như hỗ trợ vay vốn, cho thuê đất, miễn giảm thuế, chính sách bao tiêu sản phẩm… Tỉnh Lâm Đồng cần thành lập một Trung tâm thu mua, buôn bán và nghiên cứu trồng trọt, chế biến dược liệu. Không những làm nhiệm vụ kinh doanh, mà còn nghiên cứu trồng một số cây di thực có giá trị cao về mặt kinh tế và chữa bệnh; cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng, khai thác, bảo tồn, trồng trọt dược liệu cho nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả trong việc đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, không những các cấp chính quyền trong tỉnh cần có những quy hoạch cụ thể, cần đề ra những chủ trương ưu tiên dành nguồn kinh phí thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển dược liệu, phải có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng cây dược liệu, mà phải giao cho các sở, ngành liên quan có trách nhiệm cần quan tâm đến lĩnh vực này. DS. CK2 NGUYỄN THỌ BIÊN (Nguồn: nhandan.com.vn)  

Ống uống Actisô LADOPHAR

Ống uống Actisô LADOPHAR

  Ống uống Actisô LADOPHAR Tháng Một 27, 2022 2:11 chiều Xu hướng thế giới ngày càng phát triển, nhu cầu đáp ứng thực phẩm tăng cường sức khoẻ càng cao. Nắm bắt được điều đó, công ty Ladophar đã nghiên cứu ra sản phẩm – ống uống Actisô. Sản phẩm được chiết xuất 100% từ cây Actisô, tốt cho sức khoẻ và thuận tiện khi sử dụng. 1. CÔNG DỤNG CỦA ACTISÔ:          Khoa học thế giới đã chứng minh Actisô có rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ con người, một số công dụng nổi bật của Actisô. 1.1. Thanh nhiệt cơ thể, cải thiện sức khoẻ của gan:             Cải thiện sức khoẻ của gan là một trong những tác dụng nổi bật của Actisô. Các chất chống oxy hoá cynarin, silymarin được coi là thần dược của gan, nhiều nghiên cứu còn chứng minh những chất này còn có thể thúc đẩy sự tái phát triển và phục hồi của các tế bào gan bị tổn thương. Do đó, actisô cũng thần dược của gan cho người sử dụng nhiều rượu bia. 1.2. Phòng ngừa ung thư:          Actiso là loại thực vật có hàm lượng chất chống oxy hoá cao nhất trong tất cả các loại rau. Đặc tính chống oxy hoá đến từ một số chất có trong Actisô, trong đó có polyphenol. Các polyphenol có tính chất làm chậm và ngăn ngừa tế bào ung thư. Ngoài ra, khả năng chống oxy hóa của atisô cũng xuất phát hàm lượng quercetin và rutin cao trong nó. Đây là hai chất chống oxy hóa đặc biệt đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư. 1.3. Hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim:         Một số thành phần trong lá atisô có thể làm giảm mức cholesterol xấu (LDL) và tăng mức cholesterol tốt (HDL hoặc axit béo omega-3) trong cơ thể. Cholesterol là một loại chất béo tích tụ trong các động mạch của hệ thống tim mạch, ngăn chặn sự lưu thông máu, tăng huyết áp, có thể dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ có khả năng gây tử vong. Vì vậy, bạn hãy dùng thử lá trà atisô để có có cơ hội cải thiện sức khỏe tim mạch của mình. 1.4. Giảm huyết áp:          Actiso là một nguồn thực phẩm cực giàu kali, đây là một dưỡng chất có ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Kali giúp bình thường hóa tác động của việc thừa muối, nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, atisô đóng vai trò như một loại thuốc làm giãn mạch và có lợi cho những người dùng thuốc tăng huyết áp để ngăn chặn tình trạng thiếu kali. Ngoài ra, nếu bị bệnh tiểu đường, bạn cũng nên dùng atisô vì nó có thể giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành. 1.5. Giảm bớt các cảm giác khó chịu khi uống rượu:          Actiso có những lợi ích tuyệt vời đối với gan và làm giảm tắc nghẽn cũng như loại mức độ độc tố trong máu một cách nhanh chóng. Vì vậy, atisô cũng là một phương pháp điều trị cảm giác khó chịu do uống rượu bia. Sau một đêm say rượu, bạn có thể nhai một vài lá atisô để bớt cảm giác mệt mỏi khó chịu. 1.6. Công dụng của Actisô tốt cho xương:          Actiso là một trong những thực phẩm tốt nhất cung cấp các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là magiê, phốt pho và mangan. Những khoáng chất này là thành phần thiết yếu của việc tăng cường sức khỏe và mật độ xương, do đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương. 1.7. Giúp ích cho quá trình trao đổi chất:          Magiê và mangan là hai thành phần thiết yếu của quá trình trao đổi chất của cơ thể và chúng cũng được tìm thấy trong atisô. Magiê đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp protein, cũng như tối ưu hóa lượng canxi trong cơ thể, giúp xương chắc khỏe. Còn mangan ảnh hưởng đến tỷ lệ trao đổi chất của cholesterol, axit amin và carbohydrate trong cơ thể. 2. NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA SẢN PHẨM ỐNG UỐNG ACTISÔ: 2.1. Tiện sử dụng: Hộp 2 vỉ, được chia thành 10 ống nhỏ, mỗi lần sử dụng chỉ cần lấy 1 ống, uống trực tiếp. 2.2. Dễ bảo quản: Để hạn chế lượng dịch uống tiếp xúc với môi trường bên ngoài, Ladophar đã đóng thành từng ống 10 ml, tiện sử dụng trong 1 lần.

Hướng đi cho cây dược liệu

Hướng đi cho cây dược liệu

  Hướng đi cho cây dược liệu Tháng Một 27, 2022 2:15 chiều Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu không còn xa lạ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, để có hướng đi bền vững và hiệu quả thì người sản xuất loại cây này vẫn còn phải loay hoay. Vùng đất đầy tiềm năng  Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, hiện nay, tổng diện tích sản xuất cây dược liệu tại Lâm Đồng khoảng 332 ha với tổng sản lượng khoảng 9.500 tấn. Trong đó, có khoảng 263 ha cây dược liệu được trồng trên đất nông nghiệp, 68 ha trồng dưới tán rừng. Các chủng loại như actiso, diệp hạ châu, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, đảng sâm, trà hoa vàng, tam thất… là những loại cây dược liệu gắn bó với thương hiệu Lâm Đồng. Vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Cát Tiên, Di Linh.  Trong số các loại cây dược liệu trên, actiso là loại cây chứng minh được hiệu quả và bền vững lớn nhất. Báo cáo của Sở NN-PTNT cho biết, tổng diện tích actiso ở địa phương khoảng 162 ha với sản lượng đạt trên 8 nghìn tấn. Cây phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao nên thời gian qua, ngoài vùng sản xuất lâu đời như Đà Lạt, nhiều hộ dân ở các huyện lân cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh cũng đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng loại cây này. Đặc biệt, tại huyện Lạc Dương, phát triển vùng dược liệu actiso là hướng đi của địa phương này. Bởi vậy từ năm 2018, UBND huyện Lạc Dương và Công ty Ladophar đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm Atiso trên địa bàn huyện. Theo đó, người dân được hỗ trợ giá giống actiso 10.000đ/cây. Và địa phương này vẫn linh động từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ nông dân sản xuất actiso. Đến nay, tại huyện này có khoảng hàng chục hộ dân liên kết với Công ty Ladophar phát triển hàng chục ha actiso và dự kiến đến năm 2025 diện tích này đạt 100 ha.  Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, cây dược liệu tại địa phương có nhiều loại đặc hữu, có giá trị kinh tế cao và hiện đang được nhân giống như lan gấm, sâm ngọc linh, thất diệp nhất chi hoa, hoàng liên ô rô, thạch tùng răng cưa, tam thất, trà hoa vàng. Một số loại có lợi thế cạnh tranh cao như sâm ngọc linh, thạch tùng răng cưa, lan thạch hộc tía… “Sâm ngọc linh sản xuất trong thực tế không nhiều nhưng tại Đà Lạt đã thành công trong việc nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô. Cây thạch tùng răng cưa ngày càng quý hiếm và ở Lâm Đồng thì chỉ mọc ở vùng rừng Bidoup – Núi Bà”, ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho hay.  Phát triển dược liệu dưới tán rừng “Lâm Đồng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có tiềm năng để phát triển nuôi trồng nhiều loại cây dược liệu quý, hiếm, giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ dược liệu trong nước và trên thế giới được đánh giá là rất lớn và ngày càng được mở rộng nên đây cũng là cơ hội lớn”. Đó là nhận định của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng trong quá trình khảo sát về cây dược liệu. Bởi Lâm Đồng có khí hậu chia thành 3 vùng gồm: độ cao dưới 500 m, từ 500-1.000 m và trên 1.000 m so với mực nước biển. Ở mỗi vùng này đều phù hợp với việc phát triển một số loại dược liệu khác nhau. Từ đây tạo nên sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên rừng Lâm Đồng cũng rất phong phú với 513 nghìn ha đất có rừng. Đây là tiềm năng phát triển các loại cây trồng xen dưới tán rừng.  Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang nghiên cứu và phát triển trồng xen dưới tán rừng đối với các loại cây dược liệu khai thác tự nhiên. Trong đó, bao gồm sâm Panax sp phân bố tại các khu rừng ở huyện miền núi Đam Rông; hà thủ ô ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương; huyết đằng ở Cát Tiên; cẩu tích ở Biduop – Núi Bà, xáo tam phân ở Đà Lạt, Lạc Dương. Một số loại khác như trà hoa vàng, chè dây leo, sa nhân, nghệ đen, sâm cau… phù hợp với mô hình xen dưới tán rừng. Đối với các loại dược liệu này, một số doanh nghiệp, đơn vị đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.  Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 59 doanh nghiệp thu mua các sản phẩm từ cây dược liệu để sơ chế, chế biến với tổng sản lượng trên 7 nghìn tấn. Trong đó nhiều nhất là tiêu thụ actiso với khoảng 45 doanh nghiệp, đơn vị thu mua, tiếp đến là đông trùng hạ thảo 15 doanh nghiệp và nấm linh chi 10 doanh nghiệp thu mua. Về hiệu quả kinh tế, việc sản xuất cây dược liệu như actiso, đảng sâm, đương quy… so với các cây trồng như cà rốt, cải bắp, xà lách, cà phê… thì giá trị kinh tế cao hơn, giúp người dân cải thiện nguồn thu nhập. Một cán bộ nông nghiệp so sánh, trên cùng đơn vị diện tích, việc phát triển actiso có thể đạt lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/năm và mức này cao hơn 190 triệu đồng so với lợi nhuận trồng cà rốt, cao hơn 400 triệu đồng so với trồng cải bắp. Tương tự, nấm linh chi cho lợi nhuận 665 triệu đồng/ha/năm, cây đương quy lợi nhuận 400 triệu đồng/ha/năm, cây đảng sâm cũng cho lợi nhuận lên đến 329 triệu đồng/ha/năm.  “Khó khăn hiện nay ở địa phương trong phát triển cây dược liệu chính là chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống dược liệu tập trung. Một số giống không chủ động được nguồn và phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc di thực từ các tỉnh, thành khác về”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nhận định.  Việc sản xuất hiện nay vẫn còn quy mô nhỏ, phân tán, chưa phát triển được vùng theo quy hoạch. Các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu hiện còn thiếu bền vững. Thời gian qua, việc thu mua đa phần thông qua hệ thống thu gom của tư thương nên giá sản phẩm không ổn định, sản phẩm khi thu mua chưa quy định rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng.  HOÀNG MY – BÍCH THỦY baolamdong.vn

Ladophar – đưa dược liệu Đà Lạt vươn ra thế giới

Ladophar – đưa dược liệu Đà Lạt vươn ra thế giới

Ladophar – đưa dược liệu Đà Lạt vươn ra thế giới  Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Điều này mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội cũng như đối diện với rất nhiều thách thức, Công ty Ladophar cũng không nằm ngoài “cuộc chơi” này. Để phát triển và nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm, chiến lược của Công ty là đẩy mạnh phát triển những sản phẩm có lợi thế, đó chính là tiềm năng về dược liệu của vùng đất Đà Lạt – Lâm Đồng. Quy hoạch và phát triển bền vững vùng trồng Actisô Với lợi thế của vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, Công ty Ladophar những năm qua đã tái cấu trúc một cách mạnh mẽ, quyết định dừng sản xuất tân dược, xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe lớn nhất Tây Nguyên, mở đường cho những bứt phá đang chứng minh bằng thực tiễn.  Actisô được xác định là một trong những lợi thế cạnh tranh của Công ty bởi đây là loài cây được chọn là cây dược liệu quốc gia và đây chính là loại cây được Ladophar đầu tư sâu cho phát triển trong những năm qua. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn của từng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, Ladophar kiểm soát chặt chẽ toàn bộ nguyên liệu đầu vào và là một trong 10 doanh nghiệp có vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP- WHO, thực hành tốt trồng trọt và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới do Bộ Y tế chứng nhận. Đặc biệt, thời gian qua, Công ty cũng đã tiến hành thử nghiệm thành công cây dược liệu quý Actisô trồng từ hạt thay thế cho giống cây truyền thống hiện nay đã có dấu hiệu bị thoái hóa để đảm bảo chủ động nguồn cung cấp dược liệu cho chế biến các loại sản phẩm của đơn vị. Bên cạnh đó, Ladophar cũng chủ động phát triển vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP cho các loại cây đặc trưng khác của vùng đất Lâm Đồng là cây Diệp hạ châu và cây Đẳng sâm. Áp dụng tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng  Lãnh đạo Công ty cho biết, để nâng cao chất lượng các sản phẩm, Công ty đặc biệt quan tâm đầu tư, máy móc thiết bị mới với công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này đã giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Công ty cũng công nghiệp hóa sản xuất dược phẩm và thuốc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu (dây chuyền sơ chế và chiết xuất dược liệu, cao khô, viên nang mềm, thuốc nước; đóng gói – đa dạng hóa chủng loại sản phẩm); Chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển để bào chế sản phẩm có tính sinh khả dụng cao, góp phần đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng tốt và độc đáo như sản phẩm cao khô Actiso, sản phẩm detox – chăm sóc sức khỏe dạng nước, viên nang mềm,… Hiện Ladophar đang sở hữu vùng nguyên liệu Actisô và các loại dược liệu quý đạt chuẩn quốc tế GACP-WHO (Good Agricultural and Collection Practices). Nhà máy Ladophar đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP WHO), khẳng định chuẩn mực cho ngành công nghiệp sản xuất dược tại Việt Nam cũng như đạt chứng nhận tiêu chuẩn ISO 22000: 2007 – chuẩn mực cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng. Phòng Kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2017. Từng bước chinh phục thị trường nước ngoài Tự tin với chất lượng sản phẩm, Công ty đã bắt đầu thúc đẩy quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Để đối tác trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận thông tin về Công ty và sản phẩm, Công ty đã tổ chức xây dựng thương hiệu và tiếp cận đối tác, người tiêu dùng trong và ngoài nước qua đa kênh, như website đa ngôn ngữ (Việt – Anh – Hàn); qua sàn giao dịch điện tử và các hội chợ xúc tiến thương mại.  Sự kết hợp giữa các nền tảng trên đã giúp Công ty thực hiện sứ mệnh “Biến thảo dược quý từ thiên nhiên qua công nghệ hiện đại kết hợp bí quyết của chuyên gia trở thành sản phẩm tinh hoa dược liệu có tính sinh khả dụng cao, hiệu quả trong hỗ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Với những đầu tư bài bản và nghiêm túc trong những năm qua, từ năm 2018, Công ty Ladophar đã mở rộng thị trường ra ngoài nước. Chủ động hợp tác với các nhà đầu tư và chuyên gia hàng đầu Nhật Bản của Công ty Rohto, Viromed, GSPOON, chính thức đưa thương hiệu Ladophar chinh phục thị trường nước ngoài. Công ty thực hiện tái cơ cấu toàn diện hoạt động sản xuất và kinh doanh. Năm 2019, tỷ trọng hàng sản xuất của Công ty tăng đáng kể, doanh thu hàng xuất khẩu cũng tăng đều mỗi năm, đặc biệt năm 2019 xuất khẩu đạt 18,7 tỷ đồng so với 614 triệu đồng năm 2018. Điều này chính là minh chứng rõ ràng rằng Ladophar đã nâng tầm thương hiệu và đang bước ra thị trường quốc tế ngày càng tốt hơn. Lãnh đạo Công ty cho biết, trong tương lai, Ladophar sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những tiềm năng lợi thế sẵn có, mở rộng các dự án trồng dược liệu; đồng thời, quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới từ thảo dược thiên nhiên Việt Nam; Tập trung vào sản xuất và cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước các sản phẩm từ dược liệu có giá trị cao, giúp phòng ngừa, bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người. Đây cũng là hướng đi để Công ty thực hiện khát vọng biến những tiềm năng dược liệu của địa phương thành những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đưa dược liệu Đà Lạt – Lâm Đồng vươn ra thế giới. NGUYÊN THI baolamdong.vn  

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0263 999 9999