Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng – Ladophar

Định hướng phát triển cây dược liệu

Tác giả: Vũ Quân Ngày đăng: 28/02/2023

 


Định hướng phát triển cây dược liệu

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc nam Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt so với cả nước. Địa hình, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đa dạng, nên nguồn tài nguyên về hệ thực vật, động vật, khoáng vật phong phú, trong đó có nhiều loại làm thuốc. Thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến công tác nghiên cứu dược liệu và đạt một số kết quả khả quan. Thời gian tới, Lâm Đồng xác định phát triển cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao…

Theo Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng (năm 2012), thực vật làm thuốc có 1.664 loài, thuộc 237 họ thực vật; động vật làm thuốc có 165 loài, thuộc 101 họ động vật; khoáng vật làm thuốc có 21 loại. Tuy vậy, thực vật làm thuốc của Lâm Đồng số lượng thì nhiều nhưng trữ lượng không lớn, giá trị kinh tế không cao, ít cây thuốc có giá trị đặc biệt. Các cây thuốc được di thực trồng tại Lâm Đồng phát triển tốt, nhưng hiện nay nhân dân không trồng, vì sản xuất các loại rau, hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các động vật làm thuốc đa số sống tự nhiên trong rừng núi và có tên trong Sách đỏ Việt Nam, nên việc sử dụng động vật làm thuốc hạn chế.

Từ năm 1976 đến nay, những cây thuốc di thực từ các nước đã được nghiên cứu trồng tại Đà Lạt như: actisô, bạc hà, ba gạc Ấn Độ, bạch chỉ, bạch truật, cỏ ngọt, dương cam cúc, dương địa hoàng, đỗ trọng, đương quy, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, huyền sâm, húp lông, hồng hoa, hoài ngưu tất, hoài sơn, lão quan thảo, phúc bồn tử, sâm ngọc linh, sinh địa, tam thất, xuyên khung, vân mộc hương. Một số cây thuốc trong nước được trồng tại Lâm Đồng như: Bồ công anh, canh ki na, chè dây, diệp hạ châu, đinh lăng, đảng sâm, hồi, quế, sa nhân, sả hương chanh, trầm hương, thông đỏ. Một số cây có tác dụng bồi dưỡng dùng làm thực phẩm, hoặc để sản xuất thực phẩm chức năng được trồng lớn như ca cao, điều, mắc ca, sa chi, dưa lưới, nấm ăn và nấm làm thuốc… Các động vật làm thuốc cũng được nuôi tại một số huyện, thành phố thuộc Lâm Đồng, như: Đông trùng hạ thảo, hươu, tắc kè, kỳ đà, ong, nhím…

Năm 2016, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, những cây thuốc đã trồng tại Lâm Đồng như: actisô khoảng 80 ha, chủ yếu trồng tại TP Đà Lạt (70 ha) và huyện Đơn Dương (10 ha). Cây diệp hạ châu trồng ở Cát Tiên, với diện tích khoảng 40 ha; cây đảng sâm khoảng 10 ha, do Công ty TNHH Cao Lâm trồng ở huyện Lạc Dương; cây phúc bồn tử trồng ở huyện Đức Trọng, Lạc Dương hơn 4 ha; cây dó bầu khoảng 90 ha, do Công ty CP Dó bầu hương Quảng Nam trồng ở huyện Đam Rông đã sang năm thứ bảy (để gây trầm hương); riêng cây chè dây trồng dưới tán rừng; cây sâm ngọc linh do Công ty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang tại Đà Lạt sản xuất cây giống cấy mô, đã cung cấp giống cho một số nơi và đang chăm sóc những cây đã trồng trong mấy năm nay. Các cây đương quy, đinh lăng, sa nhân trồng tại TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà và Đức Trọng; linh chi và các loại nấm dược liệu khác, được gây trồng ở Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương; một số cây có tác dụng bồi dưỡng dùng làm thực phẩm, hoặc để sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng được trồng tại Lâm Đồng như: Ca cao, điều, mắc ca, sa chi, dưa lưới, dây hương, phật thủ, chè tiên… Đồng thời, một số động vật làm thuốc cũng được nhân dân nuôi như: Đông trùng hạ thảo ở Bảo Lộc, Đà Lạt; hươu ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông; kỳ đà, ong ở Bảo Lộc; tắc kè ở Bảo Lâm; nhím ở Đạ Huoai và dế ở huyện Lâm Hà… Tuy vậy, công tác nuôi trồng dược liệu tại Lâm Đồng còn yếu.

Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg, ngày 30-10-2013, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và Quyết định 179/QĐ-BYT, ngày 20-1-2015 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, việc bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên quy hoạch tám vùng dược liệu trọng điểm, để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài, đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu mỗi năm; phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của tám vùng sinh thái, gồm 36 loài dược liệu bản địa, 18 loài dược liệu nhập nội trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, theo Quyết định 206/QĐ-BYT, ngày 22-1-2015, Bộ Y tế ban hành danh mục 54 cây dược liệu ưu tiên phát triển, giai đoạn 2015 – 2020.

Liên quan đến tỉnh Lâm Đồng, quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Đà Lạt thuộc vùng trung bình có khí hậu á nhiệt đới, cùng với Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), quy hoạch trồng 12 loài dược liệu, bao gồm năm loài bản địa: bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn, ý dĩ và bảy loài nhập nội: actisô, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, đỗ trọng, đương quy, huyền sâm, với diện tích 3.150 ha, ưu tiên phát triển các loài bạch truật, đỗ trọng, actisô. Đồng thời, Lâm Đồng là tỉnh nằm trong vùng Tây Nguyên cùng với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đắc Nông quy hoạch phát triển trồng 10 loài dược liệu, bao gồm các loài bản địa: Gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ, với diện tích khoảng 2.000 ha, ưu tiên trồng các loài: Đảng sâm, sâm ngọc linh.

Căn cứ những quyết định trên và theo Thông báo số 793/TB-BYT, ngày 8-8-2016 của Bộ trưởng Y tế, tại buổi Tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững”, văn bản số 4960/UBND-VX3, ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng “Về việc tăng cường phát triển dược liệu bền vững”, đồng thời qua tình hình thực tế tại địa phương, chúng tôi xin đề xuất việc phát triển trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm tiếp theo như sau:

Về quan điểm: Xu thế hiện nay trên thế giới, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi rất phong phú và đa dạng các loài cây dược liệu, người ta sử dụng nhiều các loại thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thảo dược, vì nó thực sự có hiệu quả trong điều trị bệnh và ít tác dụng phụ. Người dân Lâm Đồng cũng đã quen dùng thuốc y học cổ truyền từ lâu đời và nhiều nơi, nhiều gia đình đã có kinh nghiệm trồng dược liệu, nhưng cần tăng cường tuyên truyền thêm trong việc cần thiết phải phát triển trồng cây dược liệu trong tình hình hiện nay. Nhất là tỉnh Lâm Đồng lại có lợi thế nhiều loài cây thích nghi với điều kiện khí hậu, độ cao từng vùng, cây ưa ẩm, cây chịu hạn, cây sống ở đồi núi, cây ở vùng đầm lầy, sông suối. Đặc biệt, vùng từ 1.800m trở lên vành đai ôn đới, nhiệt độ trung bình từ 10 đến 150C (ít khi lạnh dưới -40C), nên nhiều loài cây ôn đới xuất hiện, trong đó có nhiều loài làm thuốc. Các loại đất tại Lâm Đồng phần lớn có độ dày canh tác, độ phì nhiêu cao; mặt khác khí hậu, địa hình, độ cao thuận lợi cho việc thuần hóa một số cây mọc hoang dại hoặc các cây di thực.

Cần ưu tiên phát triển nguồn dược liệu trong nước, để sản xuất thuốc gắn với nhu cầu của thị trường là hướng quan trọng, giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, nhất là tỉnh Lâm Đồng có đặc thù riêng về công tác phát triển dược liệu.

Cần khuyến khích các thành phần kinh tế trong tỉnh tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến dược liệu để có sản phẩm từ dược liệu cung cấp trong nước và để xuất khẩu.

Về mục tiêu: Phải phát triển trồng cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa song song với rau, hoa, trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, nhất là những dược liệu lâu nay phải nhập khẩu từ các nước mà tỉnh Lâm Đồng có thể trồng được. Đồng thời, phải quản lý khai thác, bảo tồn và giữ gìn những nguồn gen dược liệu quý có giá trị tại địa phương; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh.

Về quy hoạch trồng các cây dược liệu: Tùy theo địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng các vùng trong tỉnh Lâm Đồng nên chọn: Tại TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, nơi những vùng có khí hậu mát mẻ, độ cao từ 1.000m trở lên, nên trồng những cây di thực, hiện đang có nhu cầu trên thị trường và có giá trị kinh tế cao, không những trồng để lấy sản phẩm mà còn sản xuất giống như: actisô, bạch chỉ, bạc hà, bạch truật, bảy lá một hoa, cỏ ngọt, dương cam cúc, đảng sâm, đương quy, hà thủ ô đỏ, huyền sâm, ngưu tất, hoài sơn, lan gấm, sâm ngọc linh, sinh địa, tam thất, thông đỏ, xuyên khung, vân mộc hương. Tại các huyện và TP Bảo Lộc trở lên phía Đà Lạt, trồng: Đinh lăng, đương quy, bạch chỉ, huyền sâm, sinh địa, chè dây, sa nhân tím, sả hương chanh, hương nhu trắng, diệp hạ châu, ý dĩ. Tại ba huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên trồng các cây bạc hà, diệp hạ châu, sả…

Nói chung, tại các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng đều có thể trồng tất cả các cây thuốc thông thường để chuyển giao cho các bệnh viện, phòng chẩn trị y học cổ truyền, các trạm y tế xã dùng để điều trị bệnh và cho các công ty để sản xuất thuốc. Những cây thuốc thông thường lâu nay vẫn khan hiếm, khi dùng đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các tỉnh khác mà chất lượng không tốt bằng trồng tại Lâm Đồng.

Một số đề nghị và giải pháp: TP Đà Lạt và các huyện cần nghiên cứu xây dựng các dự án quy hoạch trồng một số cây dược liệu và giải quyết một số khó khăn cho nông dân, hướng dẫn tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng dược liệu nhằm bao tiêu sản phẩm; cần phát triển trồng cây dược liệu theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp; tăng cường mối liên kết hợp tác “bốn nhà” (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông), và trước tiên phải liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông; cần nghiên cứu đề ra một số chính sách ưu đãi đối với việc trồng dược liệu, như hỗ trợ vay vốn, cho thuê đất, miễn giảm thuế, chính sách bao tiêu sản phẩm… Tỉnh Lâm Đồng cần thành lập một Trung tâm thu mua, buôn bán và nghiên cứu trồng trọt, chế biến dược liệu. Không những làm nhiệm vụ kinh doanh, mà còn nghiên cứu trồng một số cây di thực có giá trị cao về mặt kinh tế và chữa bệnh; cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng, khai thác, bảo tồn, trồng trọt dược liệu cho nhân dân.

Để thực hiện có hiệu quả trong việc đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, không những các cấp chính quyền trong tỉnh cần có những quy hoạch cụ thể, cần đề ra những chủ trương ưu tiên dành nguồn kinh phí thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển dược liệu, phải có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng cây dược liệu, mà phải giao cho các sở, ngành liên quan có trách nhiệm cần quan tâm đến lĩnh vực này.

DS. CK2 NGUYỄN THỌ BIÊN (Nguồn: nhandan.com.vn)

 

Bạn đang xem: Định hướng phát triển cây dược liệu
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0263 999 9999