Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng – Ladophar

Ladophar – đưa dược liệu Đà Lạt vươn ra thế giới

Tác giả: CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI NARA VIETNAM Ngày đăng: 28/02/2023


Ladophar – đưa dược liệu Đà Lạt vươn ra thế giới 

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Điều này mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội cũng như đối diện với rất nhiều thách thức, Công ty Ladophar cũng không nằm ngoài “cuộc chơi” này. Để phát triển và nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm, chiến lược của Công ty là đẩy mạnh phát triển những sản phẩm có lợi thế, đó chính là tiềm năng về dược liệu của vùng đất Đà Lạt – Lâm Đồng.

Quy hoạch và phát triển bền vững vùng trồng Actisô

Với lợi thế của vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, Công ty Ladophar những năm qua đã tái cấu trúc một cách mạnh mẽ, quyết định dừng sản xuất tân dược, xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe lớn nhất Tây Nguyên, mở đường cho những bứt phá đang chứng minh bằng thực tiễn. 

Actisô được xác định là một trong những lợi thế cạnh tranh của Công ty bởi đây là loài cây được chọn là cây dược liệu quốc gia và đây chính là loại cây được Ladophar đầu tư sâu cho phát triển trong những năm qua. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn của từng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, Ladophar kiểm soát chặt chẽ toàn bộ nguyên liệu đầu vào và là một trong 10 doanh nghiệp có vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP- WHO, thực hành tốt trồng trọt và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới do Bộ Y tế chứng nhận.

Đặc biệt, thời gian qua, Công ty cũng đã tiến hành thử nghiệm thành công cây dược liệu quý Actisô trồng từ hạt thay thế cho giống cây truyền thống hiện nay đã có dấu hiệu bị thoái hóa để đảm bảo chủ động nguồn cung cấp dược liệu cho chế biến các loại sản phẩm của đơn vị. Bên cạnh đó, Ladophar cũng chủ động phát triển vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP cho các loại cây đặc trưng khác của vùng đất Lâm Đồng là cây Diệp hạ châu và cây Đẳng sâm.

Áp dụng tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng 

Lãnh đạo Công ty cho biết, để nâng cao chất lượng các sản phẩm, Công ty đặc biệt quan tâm đầu tư, máy móc thiết bị mới với công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này đã giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Công ty cũng công nghiệp hóa sản xuất dược phẩm và thuốc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu (dây chuyền sơ chế và chiết xuất dược liệu, cao khô, viên nang mềm, thuốc nước; đóng gói – đa dạng hóa chủng loại sản phẩm); Chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển để bào chế sản phẩm có tính sinh khả dụng cao, góp phần đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng tốt và độc đáo như sản phẩm cao khô Actiso, sản phẩm detox – chăm sóc sức khỏe dạng nước, viên nang mềm,…

Hiện Ladophar đang sở hữu vùng nguyên liệu Actisô và các loại dược liệu quý đạt chuẩn quốc tế GACP-WHO (Good Agricultural and Collection Practices). Nhà máy Ladophar đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP WHO), khẳng định chuẩn mực cho ngành công nghiệp sản xuất dược tại Việt Nam cũng như đạt chứng nhận tiêu chuẩn ISO 22000: 2007 – chuẩn mực cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng. Phòng Kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2017.

Từng bước chinh phục thị trường nước ngoài

Tự tin với chất lượng sản phẩm, Công ty đã bắt đầu thúc đẩy quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Để đối tác trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận thông tin về Công ty và sản phẩm, Công ty đã tổ chức xây dựng thương hiệu và tiếp cận đối tác, người tiêu dùng trong và ngoài nước qua đa kênh, như website đa ngôn ngữ (Việt – Anh – Hàn); qua sàn giao dịch điện tử và các hội chợ xúc tiến thương mại. 

Sự kết hợp giữa các nền tảng trên đã giúp Công ty thực hiện sứ mệnh “Biến thảo dược quý từ thiên nhiên qua công nghệ hiện đại kết hợp bí quyết của chuyên gia trở thành sản phẩm tinh hoa dược liệu có tính sinh khả dụng cao, hiệu quả trong hỗ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Với những đầu tư bài bản và nghiêm túc trong những năm qua, từ năm 2018, Công ty Ladophar đã mở rộng thị trường ra ngoài nước. Chủ động hợp tác với các nhà đầu tư và chuyên gia hàng đầu Nhật Bản của Công ty Rohto, Viromed, GSPOON, chính thức đưa thương hiệu Ladophar chinh phục thị trường nước ngoài. Công ty thực hiện tái cơ cấu toàn diện hoạt động sản xuất và kinh doanh. Năm 2019, tỷ trọng hàng sản xuất của Công ty tăng đáng kể, doanh thu hàng xuất khẩu cũng tăng đều mỗi năm, đặc biệt năm 2019 xuất khẩu đạt 18,7 tỷ đồng so với 614 triệu đồng năm 2018. Điều này chính là minh chứng rõ ràng rằng Ladophar đã nâng tầm thương hiệu và đang bước ra thị trường quốc tế ngày càng tốt hơn.

Lãnh đạo Công ty cho biết, trong tương lai, Ladophar sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những tiềm năng lợi thế sẵn có, mở rộng các dự án trồng dược liệu; đồng thời, quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới từ thảo dược thiên nhiên Việt Nam; Tập trung vào sản xuất và cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước các sản phẩm từ dược liệu có giá trị cao, giúp phòng ngừa, bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người. Đây cũng là hướng đi để Công ty thực hiện khát vọng biến những tiềm năng dược liệu của địa phương thành những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đưa dược liệu Đà Lạt – Lâm Đồng vươn ra thế giới.

NGUYÊN THI

baolamdong.vn

 

Bạn đang xem: Ladophar – đưa dược liệu Đà Lạt vươn ra thế giới
Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0263 999 9999